Dòng tiền từ NĐT cá nhân vẫn chảy mạnh vào TTCK, mua ròng hơn 3.000 tỷ đồng trong tuần 15-19/11
Dòng tiền từ NĐT cá nhân vẫn chảy mạnh vào TTCK, mua ròng hơn 3.000 tỷ đồng trong tuần 15-19/11
Kết thúc tuần giao dịch từ 15-19/11, VN-Index đứng ở mức 1.452,35 điểm, tương ứng giảm 21,02 điểm (-1,4%) so với phiên cuối tuần trước. Trong khi đó, HNX-Index vẫn tăng 12,34 điểm (2,8%) lên 453,97 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 2,58 điểm (2,3%) lên 113,24 điểm.
Thanh khoản thị trường tiếp tục lập kỷ lục với tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 43.220 tỷ đồng/phiên, tăng 12% so với tuần trước. Trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân tăng 14,6% lên 41.192 tỷ đồng/phiên.
Tương tự như tuần trước, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn đổ vào thị trường trong khi tổ chức và khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng.
![]() |
Giá trị mua, bán ròng phân loại theo nhà đầu tư. Đơn vị: Tỷ đồng. |
Theo dữ liệu từ FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước tại tuần 15-19/11 mua ròng tuần thứ 3 liên tiếp với giá trị đạt 3.158 tỷ đồng (giảm nhẹ 5,7% so với tuần trước), đây cũng là tuần thứ 3 liên tiếp cá nhân trong nước mua ròng trên 3.000 tỷ đồng. Nếu xét về khớp lệnh thì giá trị mua ròng ở mức 3.092 tỷ đồng. Tính chung cả 3 tuần vừa qua, dòng vốn này mua ròng tổng cộng 9.586 tỷ đồng.
![]() |
10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng khớp lệnh của cá nhân trong nước lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng. |
HPG là cổ phiếu được các cá nhân trong nước mua ròng mạnh nhất với giá trị 982 tỷ đồng. SSI cũng được mua ròng rất mạnh với giá trị 781 tỷ đồng. DGC và VND được mua ròng lần lượt 612 tỷ đồng và 578 tỷ đồng. Trong khi đó, VHM bị bán ròng mạnh nhất với 529 tỷ đồng. CTG và KBC bị bán ròng lần lượt 320 tỷ đồng và 270 tỷ đồng.
Trái ngược với cá nhân trong nước, tổ chức trong nước có tuần bán ròng thứ 3 liên tiếp với giá trị ở mức 1.975 tỷ đồng (giảm 6,2% so với tuần trước). Trong đó, tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) bán ròng 1.193 tỷ đồng (giảm 36%), còn nếu chỉ tính khớp lệnh, giá trị bán ròng giảm xuống còn gần 820 tỷ đồng.
![]() |
10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng. |
Tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) mua ròng mạnh nhất mã TCB với 194 tỷ đồng. GAB, TDC và KBC đều được mua ròng trên 100 tỷ đồng. Trong khi đó, DGC đứng đầu danh sách bán ròng với 643 tỷ đồng. PAN và NBB bị bán ròng lần lượt 301 tỷ đồng và 267 tỷ đồng.
Đối với khối tự doanh của các CTCK, giá trị bán ròng là 782 tỷ đồng, gấp 2,5 lần tuần trước đó. Nếu chỉ tính về khớp lệnh thì dòng vốn tự doanh sàn này bán ròng 442 tỷ đồng, tăng vọt so với mức chỉ 5 tỷ đồng của tuần trước. Như vậy, khối tự doanh đã bán ròng trong 3 tuần liên tiếp với tổng giá trị 2.668 tỷ đồng (1.448 tỷ đồng đến từ khớp lệnh).
![]() |
10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tự doanh lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng. |
Chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND (VFMVN Diamond) bị bán ròng mạnh nhất với 386 tỷ đồng. VND và HPG bị bán ròng lần lượt 216 tỷ đồng và 163 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VGC đứng đầu danh sách mua ròng của khối tự doanh với 83 tỷ đồng. FPT và PNJ được mua ròng lần lượt 60 tỷ đồng và 37 tỷ đồng.
Tương tự như dòng vốn của các cổ tức trong nước, khối ngoại có tuần bán ròng thứ 3 liên tiếp trên HoSE với giá trị giảm 5% so với tuần trước đó và ở mức 1.183 tỷ đồng. Nếu tính về giao dịch khớp lệnh thì dòng vốn này bán ròng hơn 1.831 tỷ đồng.
![]() |
10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng. |
Khối ngoại mua ròng mạnh nhất chứng chỉ quỹ FUEVFVND với 554 tỷ đồng. Tiếp sau đó, VHM cũng được mua ròng 472 tỷ đồng. CTG và DGW được mua ròng lần lượt 257 tỷ đồng và 237 tỷ đồng. Trong khi đó, SSI bị bán ròng mạnh nhất với 692 tỷ đồng. HPG cũng bị bán ròng 633 tỷ đồng. Hai mã VPB và VND đều bị bán ròng trên 300 tỷ đồng.